Đây là một bài viết từ anh Nguyễn Ngọc Quý, với giọng văn dí dỏm, chất chơi nhưng lại mang đến cái nhìn toàn diện và cách chăm sóc các loài Jewel Alocasia.

Credit bài viết: Nguyễn Ngọc Quý. Credit hình ảnh: ghi chú trong từng ảnh

Jewel Alocasia (Viết tắt JA) là những loài Alocasia có lá đẹp đặc biệt và kích thước cây nhỏ đến trung bình. Có thể kể đến: Alocasia infernalis ‘Kapit’, Alocasia reginula ‘Black Velvet’Alocasia rugosaAlocasia cupreaAlocasia sanderianaAlocasia nebula ‘Imperialis’Alocasia reversaAlocasia baginda ‘Dragon Scale’, and Alocasia amazonica ‘Polly’

Credit: Lin Yang

Cơ duyên Alocasia và tiếng sét ái tình

Mọi chuyện bắt đầu từ 1.5 năm trước, đó là lần đầu đi Thái Lan công tác trong đời làm culi cao cấp cho công ty của bạn. Bên Thái hay lắm kìa, họ lập một khu chợ cách Bangkok 70 phút đi xe. Khu chợ đó là 1 dãy các kios dài và rộng, nếu bước vào các bạn sẽ thấy bên ngoài là khu bán chậu và các phụ kiện trồng cây, sau đó khu chợ sẽ được phân ra theo từng nhóm lớn: dương xỉ – ổ rồng, cây ăn quả, hoa hoét lòe loẹt, cây thủy sinh…. Và tất nhiên với #trainoitam thì khu kimochi desu nhất đó là “kiểng lá”!!!

Credit: Nguyễn Ngọc Quý

Và Quý cũng đến khu đó! Ư ư ư… nếu như các chàng trai khác có biệt tài tia gái nhanh như chớp, thì Q còn có thêm một skill nữa, đó là khả năng tia cây. Chỉ cần đi lướt qua một kios nhỏ thôi, mắt Q sẽ nhìn rất kĩ càng, và tên khoa học của cây sẽ nhảy tưng tưng trong đầu. Q lướt qua từng hàng, có những khu toàn là Philodendron to đùng như gan của mấy anh chồng trong hội khi lập 1 cái quỹ đen để mua cây. Lại thêm đống Big Bill nữa, toàn là mấy con hàng khổng lồ dài 2m quét đất! Tôi chỉ muốn ném bà cái liêm sỉ thốt lên: chị gái xinh đẹp bán hàng ơi! lấy em làm chồng đi để em làm chủ vựa cây này với!!
Đang mải nhìn đống cây to vật thì định mệnh cũng đến một sự sét đánh: đó là lúc Q ngạc nhiên đến há hốc miệng, và thậm chí rợn da gà: Một Kios toàn là Jewel Alocasiaaaa
Cái ngạc nhiên với Jewel Alocasia không phải ở kích thước của nó, vì chúng không hề to lớn đến ngoạn mục, mà là ở một vẻ đẹp thực sự độc đáo của đám cây nhỏ nhỏ: có những cây lá đen và kết cấu như vải nhung, lại cứng cứng như giấy, có những cây lá xám nổi lên những gân đen sậm và lá như nhựa, những lá khác thì như một loài cây đến từ hành tinh khác vậy đó, mê!

Tưới nước: Bạn hay thù?

Ở những quốc gia khác, những vườn trồng chuyên nghiệp hay còn gọi là “Nursery”, Jewel Alocasia luôn có một số lượng khá khủng, vì nhu cầu với loài này cũng cao lắm. Gần như tất cả các em JA trên sàn đều nhìn đẹp hoàn hảo đến độ nếu có thể, bạn sẽ gom hàng chục cây về chỉ để xếp xung quanh người nhìn cho đã mắt.
Tuy thế, một sự thật đau lòng là mỗi năm hàng triệu triệu những cây JA được mua về, và cũng tầm một nửa trong số các cây đó sẽ “tèo” hoặc không phát triển tốt được. Bởi vì nhiều người không biết chăm các em thế nào: “Alocasia khó lắm lắm”. Tuy nhiên, cái khó bắt đầu từ một sự hiểu lầm: Chế độ tưới nước.
Nếu có dịp sờ vào chiếc lá của A. nebula, A. black velvet, A. melo hay A. sinuate, các bạn sẽ thấy thất cả các lá đều rất dày và cứng. Điều này phản ảnh một sự thật là chúng sống ở trong một môi trường không hề có nhiều nước, thậm chí hơi khan hiếm nước nữa. Cái sai lầm bắt nguồn từ việc khi nói đến “tropical plants” (cây nhiệt đới), chúng ta luôn nghĩ rằng chúng nằm trong “rừng mưa nhiệt đới”, và đây là một sự hiểu lầm tai hại, chúng ta nghĩ rằng chúng lúc nào cũng sẽ thích ẩm cao. Không- lầm rồi – chúng thích ẩm – nhưng là ẩm ở một mức độ hoàn hảo: Ẩm nhưng gần như khô!

Credit: Nguyễn Ngọc Quý.

Một đặc điểm nữa: Alocasia có củ! Củ: là một bộ loại rễ đặc biệt, có khả năng dự trữ dinh dưỡng và nước, giúp cây sống tồn tại qua mùa nắng, vào mùa nắng Alocasia sẽ có hiện tượng “lụi” – cây sẽ rụng sạch lá và biến thành 1 cái củ ở dưới đất.
Ủa ủa ủa? Nghĩa là chúng ta tưới nhiều quá nó cũng chết, ít quá nó cũng chết 😑 Vậy giờ chúng ta tưới thế nào nhỉ?
Câu trả lời đó là: Hãy kiên nhẫn đợi cho 2 cm đất mặt khô hoàn toàn, nghĩa là KHÔNG còn 1 xíu độ ẩm nào thì bạn có thể tưới đẫm với lượng nước tầm 1/3 thể tích chậu. Tưới chuẩn là khi sau tầm 5s, bạn thấy nước thoát ra khỏi lỗ dưới đáy chậu. Và hãy tưới vào buổi sáng sớm để tránh thối lá của cây. Nên hạn chế tưới lá tối đa nếu có thể!
Về dấu hiệu nhận biết tưới nước quá tay: đầu lá hóa nâu vàng, thối đầu lá.

Chất trồng: lại là một bài toán khó!

Alocasia reginae trong tự nhiên

Các bạn có thể nhìn vào bức hình Alocasia reginae: trong tự nhiên chúng sẽ sống ở dưới tán rừng, ánh sáng không trực tiếp, sống trên những cơ chất tạo thành từ gỗ mục, cành cây, xương lá, đất đá, và một phần của đất thị để kết nối cấu trúc… Hỗn hợp tự nhiên ấy lỗ vừa đủ, mịn vừa đủ, rất dễ thoát nước và bay hơi.
Ở nhà Quý, Q trồng Alocasia với 1 loại chất trồng đặc biệt trên nền là peatmoss, nhưng bí quyết của Q là gia công lại bằng cách trộn bột thông và điều chỉnh pH về hơi acid bằng cách gia công, và có vẻ Jewel Alocasia khá tối ưu trên chất trồng ấy.

Còn ở thành phố, các bạn cũng có thể trồng trên nền peat bằng cách phối trộn peat và perlite hoặc pumice, tỉ lệ Quý hay dùng là 3:1. Tuy thế cũng còn tùy vào thói quen tưới nước và mục đích các bạn có muốn chất trồng giữ ẩm lâu hay không: Càng nhiều peat, chậu giữ nước càng lâu. Điển hình Q trồng vài cây Alocasia ở Đà Nẵng, có khi 10 ngày Q mới phải tưới 1 lần mà cây vẫn khỏe re luôn.
Một bí quyết nhỏ là Q học được là luôn lót 1 lớp xốp cục tầm 1/5 chiều cao chậu ở khu vực đáy chậu để nước sẽ đi ra nhanh hơn và không bị đọng.
Quý đưa ra một số công thức tham khảo từ bạn bè của tớ nhé, các bạn có thể tham khảo:

  1. Peatmoss : perlite = 3:1 – nhưng các bạn phải cực kì chú ý vào độ thoát nước.
  2. Pumice bự : hạt đất nung : vỏ thông : đất mùn = 5:2:2:1 – Bạn này trồng cây khá đỉnh và tưới hoài nhưng cây chưa có dấu hiệu chết.
  3. Một số bạn trồng theo công thức đất trồng hoa hồng như Lin Yang bạn mình, và thực chất nebula của bạn ấy đỉnh lắm luôn. Giá thể gồm 3 đất: 3 sơ dừa: 2 pumice hạt nhỏ : 1 vỏ thông : 1 perlite. Dưới đáy chậu luôn lót pumice size bự 3-5cm để thoát nước tốt ko gây bí nhe 😛
  4. Hiện tại Q thấy các nước bạn có trồng bằng hỗn hợp các loại vụn lá mục, nhưng cái này chắc phải trải nghiệm trước mới dám to còi. Chứ to còi tiền đâu đền cho các bạn.

Ánh sáng

Ở nhà mình, trồng ngoài trại, ánh sáng tán xạ đến 2000 FC cây vẫn lên ổn và không vấn đề.
Ở trong nhà, ngoài vườn của các bạn, ánh sáng không trực tiếp nên tầm từ 400 FC trở lên là tối ưu nhất. Nếu bạn thấy một số Alocasia không lên được màu đậm hoặc cuống lá quá dài, lá lại nhỏ thì đó là do cây đang thiếu sáng đó.

Alocasia dragon scale. Credit: Ngọc Bích

Bón phân

JA không cần quá trời phân bón đâu các bạn. Hãy nhớ câu này #trainoitam nói: bón phân thiếu còn hơn bón thừa. Em nó thích phân hữu cơ: trùn quế, phân dơi, bounce back, liều lượng chừng 1 muỗng cà phê cho 1 chậu nhỏ, 1 tháng 1 lần, và chỉ bón khi cây đang trong tình trạng bình thường, nhớ làm ẩm đất trước khi bón bạn nhé.
Nếu tưới phân (đạm cá, đạm đậu…), thì chỉ nên dùng liều ½ so với nhà cung ứng đưa ra để tránh cháy. Còn tan chậm, npk, phân neem… ? mình không comment vì mình hiếm sử dụng đến.

Phun sương thì sao?

Tương tự như Calathea, Jewel Alocasia nếu sống ở khu vực quá khô cằn, thì viền lá sẽ bị khô và hóa nâu, nhất là với thời tiết nóng. Các bạn có thể phun sương, nhưng tránh phun vào lúc trưa nắng gắt hoặc quá nóng, và cũng k nên phun vào lúc chập tối vì có thể gây nấm lá.

Alocasia Azlanii. Credit: Sunny Garden
Credit bài viết: Nguyễn Ngọc Quý. Credit hình ảnh: ghi chú trong từng ảnh

Chúc mọi người trồng Jewel Alocasia thành công nha, những thắc mắc hay khó khăn khi trồng Alocasia có thể liên hệ anh Nguyễn Ngọc Quý hoặc Cộng đồng chơi kiểng lá có chất – Foliage plants collectors Vietnam để được hỗ trợ nè.