Cây cảnh, kiểng lá vốn là những sinh vật sống, nên công cuộc sưu tầm sẽ có chút khó khăn. Không đơn giản chỉ cần tìm kiếm và mang về là được, mà còn cần chăm sóc cẩn thận. Đặc biệt là cây cối thường tương đối nhạy cảm với sự thay đổi môi trường. Vì vậy khi đưa cây mới mua về cần có những kiểm tra và xử lí, để tránh gây sốc cho cây hay lây lan mầm bệnh trong cây ra cả vườn. Soi kiểng lá xin đưa đến bạn đọc tổng hợp những việc cần làm khi mới mua cây về nhé.

Bài viết tổng hợp từ consaunon.
Cây từ vườn về nhà hay từ nhà người này về nhà người kia đều cần phải thích nghi lại từ đầu vì môi trường, điều kiện ánh sáng, độ thoáng gió mỗi nơi khác nhau. Cây cần có thời gian nghỉ ngơi để thích nghi. Quá trình thích nghi diễn ra càng nhanh thì cây càng đỡ mất sức.
Cách ly cây với các cây khác trong vườn
Kiểng lá mới về, bạn chưa biết cây có đang mắc bệnh gì không (sâu hại, nhện đỏ, rệp sáp…). Cần cách ly để theo dõi và dưỡng cây ổn rồi mới cho tái hòa nhập cộng đồng. Nếu phát hiện các mầm bệnh có thể xử lí bằng cách lau, xịt nước thì làm trước. Còn nếu cần dùng thuốc để xử lí thì nên để cây nghỉ vài ngày mới dùng.

Kiểm tra và xử lý kiểng lá mới về
▸ Lá: Tỉa bớt lá già, yếu để tiết kiệm năng lượng cho cây, xem kỹ 2 mặt của lá và lau sạch để đảm bảo lá cây được an toàn.
▸ Rễ: Có thể xới nhẹ 1-2cm giá thể bề mặt quanh gốc lên để check nhanh xem rễ ổn không (rễ trắng, mập thì ổn – nâu, vàng có dấu hiệu úa thì nên bỏ cả bầu đất ra check)
▸ Giá thể: Check xem thành phần chất trồng đang sử dụng có thoáng khí hay không. Nếu tạm ổn thì khoan thay đất, giữ nguyên tầm 1 tuần rồi thay.
Nếu chất trồng quá bí/chặt, đang ngậm quá nhiều nước cộng với việc rễ yếu, ít thì nên thay giá thể liền luôn. Rửa sạch rễ với xà phòng pha loãng, để ráo rồi trồng vào chất trồng mới. Nói chung hạn chế đụng đến rễ càng nhiều càng tốt vì khi động rễ, cây phải mất nhiều thời gian để rễ hồi phục.
Nếu rễ yếu hoặc hư rễ nhiều thì nên dưỡng vào full perlite, hoặc perlite trộn dớn sạch. Trường hợp toàn bộ rễ hư hỏng thì cần cắm nước thay nước hàng ngày hoặc sục oxy chờ ra rễ rồi trồng vào full perlite hoặc perlite trộn dớn sạch.

Làm nhà kính dưỡng cây
Kiểng lá sẽ hồi sức tốt hơn khi được để trong môi trường sáng vừa phải + ẩm cao. Vì vậy bạn có thể cho cả chậu cây bao ni long to, xịt ẩm bao và cột kính miệng. Hoặc cũng có thể đặt chậu vào hộp nhựa kín trong suốt.

Chú ý độ ẩm thường xuyên trong “nhà kính” cho cây bằng cách quan sát các hạt nước đọng trên bao. Cấp ẩm khi thấy cần thiết và nên đặt ở nơi ánh sáng vừa phải, mát mẻ để tránh “nhà kính” biến thành cái lò hầm cây.
Sau 7-10 ngày, có thể thay chậu, đặt cây vào vị trí cố định và enjoy.