Có lẽ nhiều người không còn xa lạ với cụm từ “cây đột biến”, “cây var” vì chúng gắn liền với rất nhiều lùm xùm, tin tức giật gân, bởi xoay quanh những drama mà che mất đi những gì thú vị hay ho về chủ đề này. Hôm nay, Soi Kiểng Lá muốn kể bạn nghe một câu chuyện rất khác về những chiếc lá màu lem đặc biệt này nhé.
Variegated, variegation là gì?
Variegation đến từ “variegatus” trong tiếng Latin, có nghĩa là chứa nhiều màu, hoặc là màu loang lổ, vậy nên những cây variegated ngoài màu xanh ra thường có nhiều màu (xanh, trắng, hồng, vàng,..) loang trên một chiếc lá. Nhiều người thường gọi những cây variegated là cây màu lem, đây là một cách gọi rất hay và gần gũi với tiếng Việt nên tụi mình cũng sẽ dùng xuyên suốt trên Website nha mọi người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự loang màu trên một chiếc lá, có thể là do đột biến những tế bào trên lá suy giảm sắc tố diệp lục (chlorophyll – màu xanh lá) nên các sắc tố khác vốn có sẵn trong từng loại lá mới được biểu hiện màu ra ngoài, như carotenoid (màu cam, màu vàng) và xantophyl (màu vàng), anthocyanins (màu đỏ),.. Ngoài ra, còn có sự loang màu do hiệu ứng thị giác gây ra bởi sự phản xạ ánh sáng từ bề mặt lá, cũng có sự loang màu do tiến hóa, di truyền khi cây cối thay đổi để thích nghi đối phó với các mức độ ánh sáng hoặc để tránh các loài động vật ăn cỏ và làm tổ. Bây giờ chúng ta cùng đi tìm hiểu theo từng nguyên nhân cũng là từng kiểu variegation biểu hiện ra bên ngoài nhé.
Chimeric variegation (Lem màu ngẫu nhiên)
Kiểu lem màu này là do nhưng sự đột biến tế bào làm suy giảm chất diệp lục ở một số phần của mô lá khiến các lớp sắc tố khác trong từng loài cây được biểu hiện màu ra ngoài. Những phần mô lá suy giảm hoàn toàn chất diệp lục sẽ mất hết màu xanh chỉ còn lại sắc tố trắng/vàng/hồng,.. Nếu vẫn còn ít diệp lục thì sẽ có sự pha màu, trộn lẫn, những sự kết hợp này diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên tạo ra các vệt màu loang rất đẹp và không thể biết trước được.
Cũng bởi vì vậy mà loại variegation này không ổn định, không đoán được, không bị ảnh hưởng bởi môi trường, mỗi chiếc lá trên cây đều khác nhau, không có lá nào giống lá nào (trừ trường hợp “hồi xanh” khi diệp lục được sản sinh trở lại hoặc “full màu” khi diệp lục bị suy giảm hoàn toàn). Khi nhân giống dù bằng bất cứ phương pháp gì cũng không thể giữ được những biến đổi màu của cây mẹ.
Một số đại diện điển hình cho kiểu lem màu này là: Monstera deliciosa var. borsigiana ‘albo’ variegata, Philodendron ‘golden dragon’ variegata, Alocasia macrorrhiza variegata, Monstera deliciosa var. borsigiana ‘mint’ variegata,..
Có một kiểu lem màu nữa cũng thuộc Chimeric variegation nhưng thường bị nhầm lẫn hoặc ít nhận ra hơn đó là Polaroid variegation nơi mà những phần màu bị suy giảm chất diệp lục mặc dù đã có sẵn trên lá nhưng không hiện ra ngay khi lá non mới ra, mà theo thời gian và phản ứng quang phổ mà các vệt lem màu dần dần hiện ra (thường là màu vàng). Đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị và có phần diệu kỳ khi ngắm nhìn những chiếc lá non từ màu xanh lại biến đổi dần có những vệt màu vàng, rồi dần dần lại thành màu trắng kem (toàn bộ quá trình biến hóa màu sắc này có thể kéo dài trong nhiều tháng)
Một số đại diện điển hình cho kiểu lem màu này là: Monstera deliciosa var. borsigiana ‘aurea’ variegata, Philodendron ‘caramel marble‘, Philodendron ‘florida beauty’ variegata
Reflective hoặc Blister variegation (Lem màu do hiệu ứng thị giác)
Đây là kiểu lem màu xảy ra do hiệu ứng thị giác gây ra bởi sự phản xạ ánh sáng từ bế mặt lá, hiểu đơn giản là có các túi không khí nằm ngay dưới lớp biểu bì khiến cho ánh sáng bị siêu vẹo, phản xạ màu trắng hoặc bạc, đại diện là các loài Scindapsus pictus exotica, Philodendron brandtianum,..
Một dạng khác của kiểu lem này là do lông trên các bộ phận của lá có màu khác với màu của lá khiến phản xạ những ánh màu lạ, hiện tượng này thường xảy ra trên Begonia.
Ví dụ một cây Begonia escargot thay đổi màu sắc khi thay đổi hướng chiếu sáng. Vì đây là kiểu lem màu do hiệu ứng thị giác phản xạ do màu lông trên lá. Ảnh và video: Son Thai.
Ngoài ra, còn có một dạng Blister variegation vô cùng quen thuộc với các tín đồ kiểng lá là khi sự lem màu diễn ra trên gân lá. Có thể là do sự thiếu mô xanh hoặc do phản chiếu ánh sáng mà dọc theo gân lá là màu trắng hoặc màu xanh bạc giống như phát sáng. Ví dụ tiêu biểu là Philodendron ‘luxurians’ radiante, Anthurium clarinervium, Alocasia frydek, và Philodendron gloriosum.
Vì kiểu Blister variegation do hiệu ứng thị giác gây ra, nên có một trải nghiệm đặc biệt đối với những loài có kiểu lem này là khi chúng ta thay đổi góc độ ánh sáng sẽ cho cảm giác lấp lánh phát sáng.
Và nhiều khi xuất hiện những cây là sự kết hợp giữa nhiều kiểu lem màu vừa lem ngẫu nhiên chimeric variegation, vừa lem phản xạ ánh sáng blister variegation cho chúng ta một sự vỡ òa cảm xúc không hề nhẹ, mời mọi người lọt hố 😆
Pattern-gene hoặc Pigmented variegation
Đây là loại loang màu vì bản chất gen của cây sẵn có do tiến hóa và di truyền. Vì là loang màu và họa tiết tự nhiên nên rất ổn định, có thể nhân giống, nuôi cây được dễ dàng.
Đại diện cho loại variegation này: các loài trong chi Calathea, Stromanthe, Ctenanthe và Maranta.
Bài hôm nay đến đây đã dài rồi, Soi Kiểng Lá tạm chào mọi người nhé, tụi mình sẽ quay trở lại chủ đề này với các bài tiếp theo là Những hiện tượng nào bị nhầm lẫn là variegation? và Lưu ý khi chăm sóc các loài cây variegation, mọi người đón đọc nhé.
Bài viết được viết bởi Ngọc Hà – Soi Kiểng Lá.
Có tham khảo từ bài trên pistilsnursery.com và bài của bạn Viet Dam đăng trong nhóm CÂY TRONG NHÀ – INDOOR PLANTS.