Kiểng lá và các loài cây cảnh nhiệt đới hầu hết có nguồn gốc từ tầng dưới của rừng nhiệt đới. Vậy nên có nhầm lẫn rằng cứ lấy đất rừng, đất ngoài tự nhiên để trồng là được. Tuy nhiên, điều kiện ở rừng về ánh sáng, độ ẩm, sự thoáng gió, và đặc biệt là sự tuần hoàn của đất vô cùng khác với điều kiện trồng cây trong chậu ở nhà hay vườn của chúng ta. Vì vậy không phải cứ đơn giản lấy đất là trồng được cây. Cần hiểu hơn về bản chất để tránh những cái chết của cây cối dù chúng ta tưởng đã nâng niu, chăm sóc hết mực.

Sau khi hiểu về Ánh sáng, Soi kiểng lá mong mọi người hiểu rõ hơn về đất trồng kiểng lá.
Vì sao không dùng đất thịt cho kiểng lá?
Như đã nói ở trên, môi trường ở rừng khác rất nhiều với ở nhà và vườn của chúng ta, dù có tương đồng một phần về ánh sáng. Đất trong rừng là một “thực thể sống”, nó được bổ sung tuần hoàn liên tục bởi lá cây, cảnh cây phân hủy. Có hàng nghìn sinh vật bé xíu hoạt động ở trong đất rừng giúp đất được thở, được chuyển động.

Nhưng ở nhà, ở vườn của chúng ta thì không như vậy. Đặc biệt là khi trồng cây vào chậu trong một không gian hạn chế, đất không thở và sống như trong môi trường rừng rậm. Trong chậu không có những vi sinh vật hăng say đào bới và bổ sung dinh dưỡng cho đất. Không có lớp mùn hữu cơ tuần hoàn liên tục từ lá cây, cành cây vụn. Không có những khoảng trống để Oxy có thể len lỏi vào trong đất. Kết quả theo thời gian chỉ còn lại những hạt đất dính chặt vào nhau thành một khối. Ướt sũng giữ nước lâu khi tưới nước, và cứng ngắt như sỏi đá khi khô.
Trong một khối đất “cằn” như thế, rễ cây bị bóp nghẹt, không thể “thở” được. Vậy nên rễ bị úng hoặc khô queo dù tưới nước nhiều hay ít.
Giá thể kiểng lá cần tiêu chí gì?
Vì không sử dụng đất thịt 100% để trồng kiểng lá mà cần những thành phần khác nên chúng ta sẽ gọi là giá thể trồng cây. Giá thể trồng kiểng lá cần đáp ứng nhiều tiêu chí để có thể hỗ trợ bộ rễ phát triển khỏe mạnh:
- Giá thể cần có cấu trúc tơi xốp, thoáng khí. Rễ cần thở thì mới có thể khỏe mạnh và hút được nước. Thường những trường hợp rễ bị úng không phải do tưới nước, mà do giá thể không đủ thông thoáng. Hạt đất, hạt nước lấp đầy hết mọi khoảng trống khiến rễ không thở được, trở nên yếu ớt và bị vi khuẩn tấn công.
- Giá thể cần có khả năng giữ nước và thoát nước. Khi chúng ta tưới nước, rễ cây hoàn toàn không hấp thụ nước mà ta tưới. Cây chỉ hút nước mạnh nhất khi được cung cấp nhiều ánh sáng để quang hợp hoặc khi trời nắng nóng. Phần nước dư thừa thường thoát ra từ lỗ thoát nước, bốc hơi, và nằm trong giá thể. Giá thể tốt là có khả năng ngấm nước và nhả ra từ từ để rễ cây có thể lấy bất cứ lúc nào. Không bị khô nhanh nhưng cũng không ướt sũng.
- Cung cấp dinh dưỡng và kiểm soát vi sinh vật: Giá thế tốt cho cây cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Ngoài ra còn kiểm soát được vi sinh vật, tạo môi trường cho vi sinh vật cộng sinh có lợi và hạn chế nấm bệnh, vi khuẩn có hại.
Hiểu về từng nguyên liệu trộn giá thể
Để đảm bảo các tiêu chí trên cho giá thể trồng kiểng lá trong chậu, chúng ta sẽ không dùng đất thịt mà cần trộn các nguyên liệu khác. Dưới đây là các nguyên liệu phổ biến cùng chức năng của chúng trong giá thể. Khi hiểu được từng nguyên liệu chúng ta có thể tùy biến giá thể để phù hợp với từng dạng rễ và môi trường trồng.

Phần nguyên liệu tham khảo từ Nguyễn Triết
Nguyên liệu thoáng khí
Giúp giá thể thông thoáng, các loại đá vô cơ có kích thước lớn/nhỏ, tạo các đường dẫn không khí để rễ dễ hấp thụ oxy và thoát nước nhanh chóng.
- Akadama (đá cao cấp dành cho sen đá): giữ nước và chất dinh dưỡng khá tốt lại thoáng khí. Nhược điểm: độ bền kém, sau 6-8 tháng đá sẽ vón cục lại.
- Masato (cũng là dòng đá cao cấp cho sen): có khả năng hút khuẩn, khử trùng tốt, rải bề mặt chậu giúp giảm độ nóng bề mặt chậu. Nhược điểm: Cạnh đá bén, dễ làm tổn thương rễ.
- Pumice – đá bọt: hút ẩm nhiều hơn Masato, khử trùng, làm mát bề mặt chậu, bề mặt đá không sắc bén, giá hợp lý.
- Nham thạch (hay dùng lọc hồ cá): tính chất tương tự Pumice nhưng nặng hơn Pumice. Nhược: đá cũng có sắc cạnh nên có thể tổn thương rễ.
- Leca (hạt đất nung): giá thành rẻ, không giữ ẩm bằng các loại đá trên, khá thoáng khí và thoát nước nhanh. Loại Việt Nam sần sùi xấu xí nhưng rễ có thể bám tốt hơn loại hạt tròn vo đẹp mắt của Thái. Loại leca Thái có thể dùng để rải mặt chậu cho đẹp.
- Xỉ than (loại “đá” bình dân nhất): chỉ cần đi xin mấy chỗ mì gõ hay bán nui/hủ tiếu là có, hút ẩm tốt, thoáng khí tốt, thoát nước tốt. Nhưng thường cái gì free sẽ cực. Cực ở công đoạn xử lý để xỉ than an toàn với rễ cây.
Nguyên liệu tơi xốp
Giúp giá thể không giữ quá nhiều nước hay bị nén chặt lại. Khi đất nén quá chặt rễ sẽ khó đâm xuyên hay len lỏi trong đất để phát triển.
- Vỏ thông: tính sát khuẩn cao, giữ ẩm cao, thông thoáng và có khả năng thoát nước tốt. Nhược: tích muối sau thời gian dài sử dụng.
- Perlite: đá vô trùng, thoát nước nhưng giữ ẩm nhiều, khá nhẹ, giúp giá thể tơi xốp khá tốt, kích thích rễ phát triển tốt.
- Vỏ trấu tươi: có nhiều chất dinh dưỡng cho cây. Nhược: cần xử lý trừ mầm bệnh trước khi dùng.
Nguyên liệu giữ ẩm
Cung cấp độ ẩm và nước cho rễ, giúp giá thể không bị khô nhanh, tạo nền tảng cho cây bám vào giá thể tốt hơn.
- Vermiculite (đá cao cấp cho sen): giá thể vô trùng, khá nhiều chất khoáng tốt cho cây, hút ẩm và hút chất dinh dưỡng giúp cây hấp thụ dần. Nhược: giá khá cao và có thể chỉ thích hợp với sen đá vị khá nhuyễn.
- Peatmoss (than bùn): vô trùng, có tính axit nhẹ tốt cho cây ưa axit, giữ nước khá tốt. Nhược: giữ nước khá nhiều nếu như không trộn với các loại đá thoáng/tơi xốp
- Xơ dừa/dừa cục: giữ ẩm tốt, sau thời gian trồng xơ dừa mục ra trở thành phân hữu cơ bón cho cây
- Trấu hun: vô trùng, cung cấp kali, giữ ẩm tốt, giá thành vừa phải.
- Tro trấu: bổ sung kali, giữ ẩm tốt. Nhược: đất dễ bị chai vì tính kiềm cao, tro trấu dễ lắng xuống đáy làm bí chậu.
Dinh dưỡng
Thành phần cung cấp dinh dưỡng để cây nhanh lớn, bổ sung dưỡng chất cho cây. Có thể trộn vào giá thể hoặc chỉ sử dụng giá thể như một giá đỡ để trồng cây, còn dinh dưỡng cung cấp bằng cách pha tưới.
- Phân chuồng: phân bò, phân dơi… Cần lưu ý khi bón và trộn để tránh làm cây bị sốc phân, thường được khuyên dùng ít hơn chỉ định trên bao bì để an toàn cho cây.
- Phân tan chậm: khá nhiều loại, thường thấy nhất là phân tan chậm của thái (màu vàng), phân chì Nhật Bản (màu xám), ngoài ra còn rất nhiều loại với nhiều thông số khác nhau. Phân tan chậm giúp cây đỡ bị sốc phân vì đặc tính tan từ từ theo thời gian.
- Phân trùn quế: giá thành rẻ, sạch, có thể dùng ngay. Combo phân tan chậm + trùn quế là đơn giản dễ dùng nhất.
- Phân hữu cơ: giá trị dinh dưỡng không dồi dào bằng các loại phân khác.
Khi nào nên thay đất trồng/giá thể?

- Ngay lập tức nếu thấy đất cũ quá ghê. Kiểu như sâu đầy chậu, đất bết dính, bóp tới đâu nước ra tới đó.
- Hoặc khi quan sát giữ giá thể của nhà vườn 1 tuần hạn chế nước nhưng đất vẫn ẩm ướt. Thay luôn!
- Khi thấy cây rất chậm ra lá mới, lá non thiếu sức sống vì không được cấp đủ dưỡng chất. Cần check rễ gấp, rất có thể rễ đang bị sâu bọ, rệp tấn công.
- Khi rễ màu tràn ra khỏi đáy chậu, hoặc gồ lên trên mặt chậu.
- Giá thể chai/ mục sau 6 tháng đến trồng khiến đất bị bí chặt, nén rễ.
- Giá thể khô nhanh hơn bình thường, cây cần nước nhiều hơn bình thường.
- Muối khoáng tích tụ và đọng trong chậu. Mặt chậu xuất hiện vài mảng trắng sữa, nhìn như bụi/muối nhuyễn.
Công thức trộn giá thể
Có rất nhiều công thức giá thể vì tùy môi trường và chăm sóc mà thêm bớt tỉ lệ các nguyên liệu. Ví dụ điều kiện ánh sáng dồi dào, thoáng gió ở các vườn ươm thì sẽ cần một công thức giá thể giữ nước hơn so với điều kiện ánh sáng ít, khuất gió. Người trồng chăm tưới thì sẽ cần giá thể thoáng nhanh khô hơn so với người ít có thời gian tưới. Nên sẽ không có một công thức chính xác áp dụng cho mọi nhà. Mỗi người cần thời gian trải nghiệm và quan sát để có những thay đổi phù hợp.
Soi kiểng lá xin tổng hợp một số công thức giá thể để mọi người tham khảo nhé.
Công thức đại cương từ anh Nguyễn Ngọc Quý và anh Tùng Tá
Đây là công thức tương đối dễ tìm nguyên liệu và tiện lợi. Phù hợp với hầu hết các loài kiểng lá trong nhiều môi trường. Giá thể có cocochip không cần chúng ta phải tưới quá thường xuyên. Tuy nhiên thường sau một thời gian cocochip sẽ chai mục trở nên giữ nước hơn nên cần kiểm tra và thay định kỳ.
Công thức cho Anthurium và Philodendron từ anh Tong Hien
Công thức thường dùng cho Anthurium.
- 2 phần Coco chip/Dừa cục đã xử lí
- 2 phần vỏ thông.
- 2 phần perlite và pumice.
- 1 phần phân trùn.
- 1 phần phân trùn/ phân tan chậm hoặc dùng phân nước bổ sung định kỳ.
Công thức thường dùng cho Philodendron.
- 2 phần coco chip/Dừa cục đã xử lí
- 2 phần perlite và pumice.
- 1 phần than hoạt tính.
- 1 phần phân trùn/ phân tan chậm hoặc dùng phân nước bổ sung định kỳ.
Khác biệt giữa 2 phiên bản chủ yếu là vỏ thông. Vì cây Anthurium đa phần là cây có rễ rất to. Rễ bám chắc vào vỏ cây để đứng vững và hút chất dinh dưỡng nên cho vỏ thông giúp kích thích sự ra rễ của cây. Bên cạnh đó cocochip/dừa cục giữ ẩm tốt giúp rễ hút được nước khi cần. Do rễ khi tiếp xúc với ẩm, vỏ rễ sẽ không hoá cứng, làm mất khả năng hút nước.
Công thức kích rễ nhanh bằng dớn và perlite.
Trồng cây hoàn toàn bằng dớn và perlite. Bổ sung dinh dưỡng định kì bằng phân nước và phân bón lá. Cũng có thể chỉ trồng hoàn toàn bằng perlite nhưng nếu chỉ dùng perlite thì cần tưới thường xuyên hơn.

Đây là công thức thường được áp dụng cho cây mới cutting, mới thay đổi môi trường, cây có rễ ít hoặc củ anthurium mới cutting. Những cây yếu, bị úng đã loại bỏ phần úng cũng có thể trồng dớn + perlite. Hoặc cũng thường được áp dụng cho cây trồng lâu dài nhưng ở điều kiện ánh sáng dồi dào, thoáng gió.
Công thức này Soi kiểng lá tham khảo từ nhiều người có kinh nghiệm như anh Nhật Minh, anh Định Hàn.
Lời kết
Thực ra còn rất nhiều công thức về giá thể mà website Soi không thể nào chia sẻ hết. Nhưng tất cả đều được thêm bớt và thay đổi tùy thuộc vào môi trường và chế độ chăm sóc. Không có một công thức nào chính xác tuyệt đối cho mọi trường hợp. Vậy nên hãy thả lỏng thử nghiệm, quan sát thay đổi dần dần để phù hợp với cây và môi trường của chính mình nha mọi người.